Hướng dẫn tối ưu landing page / bài viết chuẩn SEO
Trước khi chúng ta lên chiến dịch quảng cáo Google hoặc làm SEO thì việc quan trọng nhất là cần phải tối ưu landing page / bài viết chuẩn SEO. Có như vậy, khi chúng ta chạy chiến dịch quảng cáo mới đạt được chi phí CPC (Cost Per Click) hoặc chi phí chuyển đổi tối ưu và cũng như thời gian SEO cũng được rút ngắn lại.
Nhưng để bắt đầu tối ưu landing page / bài viết thì việc đầu tiên chúng ta cần một landing page thô, một bài viết thô theo từ khóa chúng ta đã phân tích trước đó. Ý của SiteMeta Team, landing page / bài viết thô ở đây là nội dung có thể đã đăng lên web rồi nhưng chưa được tối ưu và tiếp đó chúng ta sẽ đi tối ưu landing page hoặc bài viết đó.
Ok, trước khi tối ưu landing page hoặc bài viết bất kỳ thì chúng ta cùng tìm hiểu một chút về các kiến thức cơ bản nhé!
I. Tối ưu landing page là gì?
Tối ưu hóa trang đích là quá trình nâng cao hiệu suất và cải thiện những yếu tố bên trong trang bao gồm văn bản, hình ảnh, liên kết và video. Thay vì chúng ta viết hoặc thiết kế lại toàn bộ landing page theo ý tưởng thô hoặc linh cảm thì chúng ta sẽ sử dụng và thay đổi những dữ liệu hiện có để hoàn thiện theo mục tiêu đã đặt ra nhờ vào kinh nghiệm quảng cáo và các công cụ đo lường.
Bạn có thể thu thập nhiều loại thông tin khách hàng trên trang đích như khảo sát khách hàng, lấy thông tin số điện thoại, email,…
Tuy nhiên, nếu bạn đang đọc bài này thì có nghĩa là bạn chưa tạo được trang đích hoặc đã tạo được trang đích nhưng chưa biết cách tối ưu như thế nào. Vì vậy, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách tối ưu landing page nhé!
II. Chuẩn bị công cụ tối ưu landing page giúp cải thiện chuyển đổi
Trước tiên, chúng ta sẽ cần đến một vài nguyên liệu để thực hiện quá trình tối ưu:
- Công cụ Rank Math SEO: Truy cập menu Plugin và kích hoạt 2 công cụ Rank Math SEO và Rank Math SEO PRO. Hoặc bạn có thể sử dụng các plugin khác như Yoast SEO, All in SEO,…
- Công cụ tìm kiếm Google
- Công cụ Google Sheets hoặc Excel
Ok, sau khi chúng ta đã chuẩn bị xong các công cụ trên thì chúng ta sẽ bắt đầu tiến hành tối ưu landing page / bài viết chuẩn SEO.
III. Tìm ra từ khóa chính trong bộ từ khóa đã phân tích
Việc tối ưu SEO cho landing page / bài viết thì chúng ta cần tìm ra được từ khóa chính và từ khóa phụ cho landing page cũng như bài viết trên website. Khi bạn đã phân tích xong bộ từ khóa dựa vào công cụ Google Ads hoặc Keyword Tool hay công cụ phân tích bất kỳ thì sẽ cho ra một danh sách từ khóa đầy đủ thuộc sản phẩm / dịch vụ mà bạn đang kinh doanh.
Lúc này, bạn cần xem từ khóa nào liên quan nhất đến sản phẩm / dịch vụ đang kinh doanh và có nhiều lượt tìm kiếm mỗi tháng nhất thì đó hẳn là từ khóa chính.
Còn lại, bạn chỉ cần tìm thêm 5-10 từ khóa phụ liên quan đến sản phẩm / dịch vụ nữa là xong.
SiteMeta team ví dụ tối ưu cho landing page bán xe Mazda với từ khóa chính là mua xe mazda và các từ khóa phụ như: lái thử xe mazda, giá xe mazda, giá xe mazda cx5, giá xe mazda 2, bảng giá xe mazda,…
Đây là kết quả chuyển đổi của chiến dịch tìm kiếm khách hàng tìm năng mua xe Mazda với hơn 1.500 cuộc gọi / chat Zalo khi thực hiện chạy quảng cáo Google Ads với tổng chi phí 16.265.192 đ và tỉ lệ chuyển đổi ~30%. Bạn có thể xem hình ảnh bên dưới.
Rồi, chốt từ khóa chính và từ khóa phụ cho sản phẩm / dịch vụ của bạn, sau đó chúng ta sẽ đến bước lên bố cục nội dung landing page hiệu quả.
IV. Cách tạo ra bố cục bài viết / landing page hoàn hảo
Để tạo ra một bố cục bài viết hoàn hảo, chúng ta sẽ cần đến phần mềm Excel hoặc sử dụng Google Sheets ngay trên Google Drive của bạn để biên soạn ra một bố cục hoàn hảo theo ý tưởng của bạn.
Mở phần mềm Excel hoặc Google Sheets, sau đó liệt kê các hạng mục bạn sẽ thể hiện trên website. Ví dụ về bố cục bài Cài đặt chuyển đổi bằng Google Tag Manager như sau:
Nhìn vào ví dụ trên, bạn có thể hình dung được cách tạo ra một bố cục bài viết từ tiêu đề bài viết (H1), đến các tiêu đề H2, H3, H4,… Chúng ta quay lại với kiến thức Word một chút nhé! Để tạo ra một trang mục lục cho một tập tài liệu được soạn trên Word thì các tiêu đề trong tài liệu cần chuyển sang dạng tiêu đề (heading 1, heading 2, heading 3,…), nó tương tự như cách chúng ta trình bày trên landing page / bài viết.
Mục đích làm như vậy để Google có thể thấy rằng chúng ta đang đầu tư kỹ lưỡng vào landing page / bài viết, cũng như xem trọng dịch vụ / sản phẩm của chúng ta. Từ đó, Google sẽ ưu tiên landing page / bài viết vào nhóm page được đề xuất lựa chọn.
Bạn đã thật sự hiểu về cách lên bố cục bài viết?
Đừng lo lắng khi đây là lần đầu tiên bạn viết một bài hoặc biên soạn nội dung chuẩn SEO cho landing page, hãy tập xây dựng nó để mọi nội dung bạn sẽ không bị bỏ soát trên bài viết, cũng như khi bạn so sánh bài của mình với các đối thủ có thứ hạng trên thứ hạng website của chính mình thì bạn cũng có thể nhìn ra được bạn đang thiếu những hạng mục gì? Có những nhược điểm gì, từ đó bạn hoàn toàn có thể cập nhật lại bài viết của mình để trở nên hoàn hảo hơn.
V. Xây dựng bố cục nội dung landing page quảng cáo hiệu quả
Để trang đích của bạn được hiệu quả thì chúng ta sẽ lên kế hoạch bố cục nội dung landing page một cách hiệu quả nhất dựa vào sản phẩm / dịch vụ chúng ta đang kinh doanh.
Ngay đây, SiteMeta team sẽ chia sẻ cho bạn một bố cục nội dung landing page dễ dàng chốt đơn hàng từ bất kỳ sản phẩm / dịch vụ nào.
Ví dụ SiteMeta team kinh doanh sản phẩm yến tươi và dự định sẽ dùng một trang đích để chạy quảng cáo. Thì việc đầu tiên SiteMeta team sẽ phân tích từ khóa, tiếp theo là lên một bố cục nội dung dựa vào bộ từ khóa đã phân tích và các dữ liệu hiện có. Bố cục nội dung landing page quảng cáo như sau:
1. Hero Banner
Hình ảnh thể hiện các đặc tính, ưu điểm của sản phẩm và công ty. Có thể dùng 1 banner duy nhất hoặc 2-3 banner để thể hiện đầy đủ hơn. Lưu ý: Đừng sử dụng quá nhiều banner, điều này sẽ làm cho landing page tải chậm và khách hàng có thể sẽ không đọc hết dẫn đến kém hiệu quả. Chúng ta sẽ phân bổ nội dung thêm vào các bố cục bên dưới.
Ngoài ra, hãy lưu ý về hình ảnh cần thể hiện rõ ràng, các bố cục trong ảnh không đè lên nhau. Bạn có thể đi theo hướng đơn giản hóa thể hiện như hình ảnh dưới đây.
Hoặc đi theo hướngn luxury hơn nhưng mọi thứ thể hiện dường như cũng đơn giản nhờ vào một vài hiệu ứng.
2. Thể hiện các Selling Point trong sản phẩm / dịch vụ và công ty
Selling Point là các hạng mục thể hiện ưu điểm của sản phẩm / dịch vụ và của công ty như một ví dụ dưới đây:
Hoặc
Như bạn thấy đấy, cách thể hiện rất đơn giản chỉ cần 1 icon hoặc 1 hình ảnh thể hiện liên quan đến nội dung của nó cho từng trường hợp.
Điều này giúp khách hàng nhanh chóng nắm rõ những ưu điểm về sản phẩm / dịch vụ của bạn và biết rõ hơn về công ty / cửa hàng của bạn.
Lưu ý một chút, chúng ta không thể hiện bố cục selling point bằng cách giới thiệu dài dòng về công ty / cửa hàng của mình nhé! Vì điều này sẽ làm cho khách hàng cảm thấy nhàm chán khi đọc nội dung trên landing page. Mà có thể gắn bố cục giới thiệu tóm tắt về công ty / cửa hàng ở các bố cục dưới cùng (nếu muốn).
3. Điểm nhấn mạnh về sản phẩm / dịch vụ và công ty / cửa hàng của bạn
Bố cục này sẽ nhấn mạnh chi tiết hơn về sản phẩm và thương hiệu của bạn, nó thể hiện có thể chỉ bằng văn bản và hình ảnh hoặc tốt hơn là một Video tóm tắt giới thiệu về sản phẩm của công ty.
Bố cục này làm tăng thêm sự nhận diện về sản phẩm và thương hiệu. Trường hợp bạn chưa ý tưởng về bố cục này thì chúng ta có thể tạm thời bỏ qua và bổ sung nó sau này.
4. Thể hiện danh sách sản phẩm / dịch vụ
Đúng vậy, bây giờ chúng ta mới bắt đầu thể hiện về các sản phẩm / dịch vụ đang kinh doanh. Tại sao không thể hiện bố cục này ngay từ ban đầu?
Ý tưởng thể hiện sản phẩm ngay từ ban đầu có thể ai cũng sẽ nghĩ đến. Nhưng có một sự thật đau lòng là khi khách hàng vừa truy cập vào landing page của bạn và đập vào mắt chỉ toàn sản phẩm thì sau 5 giây họ sẽ thoát ngay lập tức.
Ngoại trừ thương hiệu của bạn đã có tiếng nói trong thị trường thì không vấn đề gì cả. Nếu chưa có danh trên thị trường thì bạn cần xây dựng bố cục nội dung thuyết phục giữ chân khách hàng ở lại xem sản phẩm / dịch vụ của bạn.
Và đương nhiên, nếu bạn bán sản phẩm hữu hình thì cần chăm chút cho hình ảnh sản phẩm cho bắt mắt hơn nhé. Bạn có thể thuê các Freelancer để họ thiết kế cho bạn một bố cục hình ảnh sản phẩm bắt mắt hơn.
5. Thể hiện các đánh giá hoặc review của khách hàng
Tại bố cục này chúng ta sẽ đưa lên các đánh giá của khách hàng về sản phẩm / dịch vụ và công ty của bạn.
Nhưng nếu bạn là một người mới kinh doanh chưa có đánh giá thật của khách hàng thì đừng cảm thấy nản về bố cục này. Bạn có thể nhờ một vài người bạn đánh giá giúp hoặc cao tay hơn là tự mình viết lên kịch bản đánh giá và bạn nên tạo ra ít nhất 3 đánh giá cho sản phẩm / dịch vụ của mình nhé!
Minh chứng cho rằng việc khách hàng xem nhiều đánh giá của sản phẩm họ đang lưỡng lự sẽ giúp họ quyết định mua nhanh hơn.
6. Thể hiện các logo đối tác chiến lược
Đừng nghĩ gì cao siêu cả, với bố cục này bạn chỉ cần đưa lên những đối tác mà bạn đang hợp tác thôi. Ví dụ bán sản phẩm ăn uống như yến tươi này thì đưa lên các logo như Shopee Food, Grab Food, Go Food, Baemin,…
Bố cục này giúp khách hàng của bạn thấy công ty / cửa hàng bạn rất chuyên nghiệp và có nhiều đối tác hỗ trợ. Điều này làm tăng sự tin tưởng bạn hơn trong mắt khách hàng.
7. Các giấy tờ chứng nhận quan trọng
Nghe lạ nhỉ? Tự nhiên lại đem các giấy tờ này đưa lên landing page làm gì?
Hãy hình dung một chút nhé! Nếu bạn là một khách hàng tìm kiếm sản phẩm ăn uống nào đó mà bạn chưa biết phải mua ở đâu. Bạn truy cập vào 3 website đang bán sản phẩm bạn cần nhưng 3 thương hiệu này bạn chưa từng được nghe đến. Trong 3 website có một website thể hiện đầy đủ các giấy tờ như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận sản phẩm sạch và các giải thưởng đạt được của công ty và 2 website còn lại không thể hiện điều này. Vậy bạn sẽ chọn mua ở website nào?
Nói đến sản phẩm ăn uống thì ý nghĩ đầu tiên mà khách hàng nghĩ đến là sản phẩm có hợp vệ sinh không? Vì sợ ăn vào bị ngộ độc thì toi.
Ngoài sản phẩm ăn uống ra thì chúng ta có thể đưa lên các giấy chứng nhận cho người kinh doanh dịch vụ như giấy phép đăng ký kinh doanh, các chứng chỉ đã đạt được mà các chứng chỉ này có liên quan đến dịch vụ đang kinh doanh nhé.
Lưu ý: Chúng ta không đưa lên các văn bằng không liên quan như bằng cấp tốt nghiệp đại học, cao đẳng,… Tuy có thể liên quan đến ngành nghề bạn đang kinh doanh đấy! Nhưng thực tế thì khách hàng không quan tâm đến điều này.
8. Bố cục kêu gọi hành động
Cuối cùng, trong quá trình tối ưu landing page không thể thiếu một bố cục kêu gọi hành động để khách hàng để lại thông tin liên hệ của họ.
Nếu bạn đang kinh doanh dịch vụ ăn uống thì có thể sẽ không cần đến bố cục này. Vì khách hàng có thể đặt món ngay ở bố cục thể hiện sản phẩm rồi. Hoặc bạn vẫn có thể đặt một bố cục kêu gọi hành động bên dưới với mục đích nào đó khác như theo dõi thông báo khi có món mới hoặc có sự kiện khuyến mãi nào đó.
Và nếu bạn đang kinh doanh dịch vụ thì chắc chắn sẽ cần đến bố cục này để khách hàng gửi thông tin của họ cho bạn gọi tư vấn.
9. Hiển thị các bài viết chia sẻ kinh nghiệm
Bố cục này có thể không cần đến nếu bạn đang chạy chiến dịch bán sản phẩm ngắn hạn. Nhưng nếu bạn đang kinh doanh sản phẩm mà khách hàng cần quay lại website của bạn nhiều thì các bài viết về chia sẻ kinh nghiệm sử dụng sản phẩm / dịch vụ hay viết về các vấn đề thường gặp phải và cách xử lý vấn đề đó sẽ giúp khách hàng có nhiều ấn tượng về bạn hơn nữa.
VI. Cách tối ưu landing page và bài viết chuẩn SEO
Khi bạn đã có một bài viết theo bố cục hoàn hảo bạn tạo ra rồi thì bước cuối cùng chúng ta sẽ tối ưu landing page / bài viết sao cho chuẩn SEO trên Google tìm kiếm.
Đi đến trang chỉnh sửa bài viết trên website của bạn hoặc chỉnh sửa landing page, sau đó hãy tối ưu nội dung trong bài viết theo các tiêu chí dưới đây:
Meta keyword | Từ khóa chính, từ khóa phụ, từ khóa phụ,… (không quá 5) |
Meta title | Chứa từ khóa chính, không quá 60 ký tự và 15 từ. Title có thêm chữ số càng tốt – Ví dụ: Ưu đãi 30% khi đặt cọc trước… |
Meta description | Chứa từ khóa chính, không quá 160 ký tự |
URL / Permalink | Chứa từ khóa chính, không quá 75 ký tự |
Đoạn đầu tiên trong trang | Xuất hiện từ khóa chính |
H1, H2 | Chứa từ khóa chính |
H2, H3 | Chứa từ khóa chính hoặc từ khóa phụ |
ALT text trong ảnh | Chứa từ khóa chính và từ khóa phụ |
Liên kết | Có liên kết Dofollow và Nofollow trong trang |
Toàn trang | Có ít nhất 3 – 5 từ khóa chính và một số từ khóa phụ |
Số dòng mỗi đoạn | Không quá 5 dòng cho mỗi đoạn text |
Nhìn sơ qua có vẻ khá dài dòng, nhưng đừng lo lắng! Các hạng mục trên khi bạn đã tối ưu được 1-2 page rồi thì các page sau đó đối với bạn rất dễ dàng, SiteMeta Team sẽ giải thích một xíu về các hạng mục này cho bạn dễ hiểu hơn nhé!
1. Meta keyword
Nơi bạn thể hiện từ khóa có trong bài viết của mình. Từ đầu tiên trong Meta keyword sẽ là từ khóa chính, các từ sau đó là từ khóa phụ. Chúng được thể hiện ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy. Bạn có thể tìm thấy mục này tại phần Focus Keyword trong Rank Math SEO của trang chỉnh sửa nội dung page.
2. Meta title & Meta description
Đừng nhầm lẫn giữa tiêu đề bài viết và Meta title nhé!
Với tiêu đề bài viết, nó sẽ được hiển thị khi khách hàng truy cập vào bài viết của bạn, còn với Meta title nó sẽ được hiển thị khi khách hàng tìm thấy bạn trên Google như ảnh dưới đây:
Tương tự với Meta description, nó không phải là hiển thị nội dung đầu tiên của bài viết trên website của bạn hoặc một landing page bất kỳ. Nó được thiết lập theo chủ ý riêng của chúng ta để hiển thị đẹp và chứa từ khóa chính trên Google tìm kiếm.
Để thiết lập Meta title và Meta description, bạn truy cập vào mục chỉnh sửa bài viết hoặc chỉnh sửa page, sau đó click vào nút Edit Snippet
Mặt khác, nếu bạn không chỉnh sửa Meta title và Meta description thì Google sẽ từ động lấy tiêu đề bài viết của bạn làm Meta title và đoạn đầu tiên trong bài viết của bạn làm Meta description.
Như vậy có thể sẽ rất tốt nếu nội dung bài viết của bạn đã có chủ ý biến tiêu đề bài viết và đoạn đầu tiên phù hợp với Google. Nếu không thì bạn cần thiết lập meta title và meta description.
3. URL / Permalink
Đừng để liên kết quá dài mà mất đi sự chuyên nghiệp, chúng ta cần rút ngắn URL lại để giúp cho khách hàng của bạn có thể dễ nhớ hơn hoặc thấy đẹp hơn. Rút ngắn URL ở đây là bạn cần rút ngắn slug chứ không phải chuyển liên kết thấy một liên kết ngắn hơn như bit.ly nhé!
Lưu ý rằng, URL cũng nên chứa từ khóa chính và viết không dấu, cách nhau bằng dấu “-“. Và bạn có thể tìm thấy nơi thay đổi tại Edit Snippet
4. Đoạn đầu tiên trong trang chứa từ khóa chính
Rất dễ dàng để làm điều này, dưới tiêu đề bài viết được tính là đoạn đầu tiên trong trang. Bạn chỉ cần viết nội dung mở đầu khéo léo đặt từ khóa chính vào sao cho người đọc cảm thấy không bị khó chịu.
Ví dụ hợp lý: Thử viết đoạn đầu tiên trong trang chứ từ khóa chính là “quảng cáo google”.
Doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển và có nhiều khách hàng hơn khi các chủ doanh nghiệp dần chuyển hướng đi sang đầu tư chi phí vào quảng cáo Google. Nó giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm nhân sự và đem lại hiệu quả lâu dài về thương hiệu của mình.
Ví dụ không hợp lý:
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đã dần phát triển hơn nhờ đầu tư vào chi phí marketing. quảng cáo Google, quảng cáo Google, quảng cáo Google.
Đó cũng chỉ là ví dụ thôi, nhưng tôi tin chắc rằng sẽ không ai trong chúng ta lại đi nhồi nhét từ khóa chính như vậy. Đó là mô hình từ xa xưa, khoảng thời gian Google chưa có bản cập nhật về điều khoản nhồi nhét từ khóa, lúc đó mới dùng được phương pháp này. Còn bây giờ Google sẽ hướng đến trải nghiệm người dùng hơn là điểm số của website.
Chính vì vậy, đừng tự mình làm hại mình nhé!
5. Tối ưu landing page với H1, H2, H3, H4, H5, H6
Đến phần này chắc sẽ không cần nói nhiều nữa, các thẻ heading đã được trình bày trên phần mục tạo bố cục hoàn hảo rồi. Các thẻ heading giúp cho Google hiểu được bài viết của bạn được thể hiện theo trình tự từ các mục lớn sau đó đến các mục nhỏ là con của các mục lớn (cha).
6. ALT text chứa từ khóa chính
ALT text (alternative text) là gì? – Không cần hiểu sâu xa làm gì, chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản ALT Text là một đoạn văn bản mô tả về hình ảnh hiển thị trên website.
Tại sao lại cần phải mô tả? – Trong trường hợp website / landing page của bạn đang gặp vấn đề nào đó không biết được mà làm cho hình ảnh không thể hiển thị thì ALT Text sẽ hiện ra để giúp người đọc biết được hình ảnh đó đang thể hiện điều gì.
Nhưng thật không may rằng đa phần người Việt Nam chúng ta thường không chú tâm vào ALT text, mà chỉ cần đặt từ khóa chính ở đó mà không cần viết gì thêm.
SiteMeta team sẽ không có ý kiến gì về điều đó nhé! Bạn cũng có thể làm như vậy nếu “lười”. Bởi vì bây giờ rất hiếm gặp các website bị lỗi hình ảnh do tốc độ internet. Trừ khi hình ảnh đó thật sự bị hỏng hoặc không còn trên hosting của nó nữa thì mới cần đến Alt text.
7. Liên kết Dofollow và Nofollow
Cách để có một bài viết hay, níu giữ người đọc ở lại lâu trên website của mình thì ngoài cách viết bài hấp đánh trúng tim khách hàng thì chúng ta cũng có thể liên kết thêm các bài viết tương tự bài họ đang đọc để kích thích sự tò mò mà click vào đọc tiếp. Khi bạn liên kết các bài viết hiện đang có trên website với nhau thì liên kết này được gọi là Dofollow.
Ngoài ra, bạn muốn giải thích cho người đọc hiểu một từ nào đó thể hiện trong bài viết của bạn bằng một trang web khác thì liên kết này được thiết lập là Nofollow. Để thiết lập Nofollow, bạn chỉ cần click vào link và kích hoạt Set to nofollow.
8. Toàn trang có ít nhất 3-5 từ khóa chính
Đây chỉ là đề xuất nên có thôi, còn tùy thuộc vào nội dung của bạn có dài hay không, và dài như thế nào nữa. Ví dụ bài viết bình thường chỉ từ 600 – 800 từ thì chúng ta chỉ cần 3 – 5 từ khóa chính được nhắc lại là tốt rồi. Còn nếu bài viết của bạn là một bài chuyên sâu về vấn đề nào đó như bài mà SiteMeta team đang viết về cách tối ưu landing page / bài viết chuẩn SEO này thì từ khóa chính có thể nhắc lại nhiều mục đề xuất. Miễn làm sao để người đọc cảm thấy không bị khó chịu khi đọc là được.
Bạn thấy không, SiteMeta team đã đưa từ khóa chính là tối ưu landing page vào đoạn trên một cách khéo léo khiến cho bạn đọc cảm thấy không khó chịu khi đọc nó.
9. Hiển thị 5 dòng mỗi đoạn
Bạn có để ý rằng trên mỗi bài báo của vnexpress, cứ mỗi đoạn đều không quá 5 dòng không? Đó là cách làm cho người đọc không bị mỗi mắt khi đọc một bài báo dài. Và bài viết của chúng ta cũng vậy, chỉ nên viết mỗi đoạn không quá 5 dòng để giữ người đọc lại lâu hơn.
Đây cũng là điểm tốt để Google đánh giá một bài viết hoặc một landing page tối ưu nhất.
Tất cả các hạng mục tối ưu hóa bài viết chuẩn SEO trên đây đều có trong thang điểm đánh giá của công cụ Rank Math SEO. Bạn có thể tận dụng công cụ để có được các bài viết hoàn chỉnh hơn nữa.
VII. Kết luận
Để tạo ra được một trang đích hoàn chỉnh thì chúng ta cần đi từ bước phân tích từ khóa, đến bước tạo bố cục hoàn hảo & viết bài theo bố cục đó và cuối cùng là tối ưu hóa bài viết chuẩn SEO theo công cụ Rank Math SEO. Khi làm được tất cả những điều này thì bạn sẽ không cần phải quan tâm nhiều đến việc phải làm sao để tối ưu chuyển đổi trên landing page hay bài viết nữa.
Bởi vì nội dung chuẩn chỉnh đã chiếm hết 80% quyết định chiến dịch quảng cáo của chúng ta có hiệu quả hay không rồi. Nên hãy cố gắng sỡ hữu cho mình một trang có nội dung hay, đẹp, dễ nhìn nhất có thể trước khi quảng cáo nhé!
VIII. Trợ giúp
Đừng quên nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ về SiteMeta Team. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn!