Hướng dẫn phân tích từ khóa tiềm năng
Qua các bài viết trước, bạn đã chuẩn bị xong landing page / bài viết chuẩn SEO rồi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào cách phân tích từ khóa tiềm năng trên Google cho các dịch vụ / sản phẩm của mình để áp dụng vào SEO & quảng cáo Google Ads một cách hiệu quả nhất nhé!
I. Tầm quan trọng của nghiên cứu từ khóa
Chưa nói đến việc chạy quảng cáo Google nhé! Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp từ khóa đã SEO lên top 1, top 2 rồi nhưng vẫn không có khách hàng hoặc có khách hàng nhưng rất lèo tèo. Mỗi tháng chi phí cho nhân viên SEO ít cũng hết $500 (tại Việt Nam) rồi, mà doanh số đến từ SEO chỉ khoảng $400 – $1000 chưa tính chi phí nguyên vật liệu.
Như vậy đã đủ thấy thời gian qua làm SEO không hiệu quả rồi. Từ khóa lên TOP mà khách thì không có. Vậy do đâu?
Câu trả lời là chúng ta đã nghiên cứu từ khóa sai hướng rồi. Các bạn đừng nghĩ từ khóa càng ngắn càng tốt nhé! Từ khóa ngắn chưa chắc hiệu quả bằng từ khóa dài đâu.
Mình có thể lấy một ví dụ như sau: Khách hàng tìm kiếm từ “xe ô tô cũ” và từ “mua xe ô tô cũ ở đâu tại quận 2”. Đương nhiên từ khóa hiệu quả là từ “mua xe ô tô cũ ở đâu tại quận 2” rồi, vì từ này chỉ ra được khách hàng đang có nhu cầu mua xe ô tô cũ tại quận 2 nhưng chưa biết mua ở đâu. Còn từ “xe ô tô cũ” thì ý nghĩa rất rộng, có thể là một bên SEO nào đó cũng đang tìm kiếm đối thủ từ từ khóa này hoặc một người nào đó đang tìm hiểu về ngành bán xe ô tô cũ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng trong việc nghiên cứu từ khóa là như thế nào rồi đấy! Trong bài viết này chúng ta sẽ đi sâu hơn về nghiên cứu và phân tích từ khóa để các bạn hiểu rõ hơn về từ khóa cũng như cách phân tích từ khóa nhé!
II. Khái niệm cơ bản về Keyword Research
Để đạt được một bộ từ khóa hiệu quả thì trước tiên cần phải hiểu về các khái niệm cơ bản để dựa vào đó chúng ta sẽ có cái nhìn tốt hơn về các từ khóa.
1. Từ khóa là gì?
Từ khóa chính là một từ hoặc một cụm từ bất kỳ mà người dùng sẽ nhập vào ô tìm kiếm trên Google để tìm theo yêu cầu của họ.
2. Keyword Research là gì?
Là quá trình nghiên cứu, tìm kiếm và phân tích các từ hoặc cụm từ khóa. Đây là công việc chính của một người làm SEO (Search Engine Optimization), SEM (Search Engine Marketing) và quảng cáo trên Google Ads để đưa được một bộ danh sách từ khóa tiềm năng đầy đủ và chi tiết nhất.
3. Tầm quan trọng của kiến thức trong nghiên cứu từ khóa trong SEO
Khi bạn có kiến thức thì bạn sẽ có tất cả! Trong nghiên cứu từ khóa cũng vậy, việc chúng ta thiếu kiến thức sẽ dẫn đến tiêu tốn nhiều tài nguyên và nguồn lực của doanh nghiệp.
Nghiên cứu và phân tích từ khóa giúp chúng ta xây dựng được cấu trúc bài viết tối ưu và xây dựng được nội dung bài viết đầy đủ theo nhu cầu tìm kiếm của khách hàng. Ngoài ra, chúng ta có thể dễ dàng tối ưu Outline, tối ưu Onpage tốt hơn. Và nghiên cứu từ khóa là bước khởi đầu cho mọi chiến dịch dẫn đến thành công của website trên công cụ tìm kiếm.
4. Tiến trình phát triển trong nghiên cứu từ khóa
Trước đây chúng ta hay bắt gặp những doanh nghiệp nghiên cứu từ khóa dựa trên kinh nghiệm của họ để đưa ra bộ từ khóa tiềm năng. Nhưng ngày càng phát triển nên từ khóa không chỉ dừng lại từ kinh nghiệm đúc kết của bản thân mà còn là hành vi của từng khách hàng tìm kiếm trên internet.
SiteMeta có thể cho bạn một ví dụ về dịch vụ môi giới đất thổ cư, nếu theo kinh nghiệm của bản thân thì có thể từ khóa sẽ là “bất động sản”, “mua bán nhà đất”, “mua đất thổ cư”,…
Nhưng có nhiều người sẽ không tìm kiếm như vậy, mà sẽ tìm những từ mà có thể chúng ta không bao giờ nghĩ tới như “mua đất đường 7m2 trong kiệt tại Tân Bình”, “thuê nhà 1 phòng ngủ mặt đường có gác lửng”.
Các từ khóa trên tuy dài nhưng đó là những từ khóa tiềm năng đúng nhu cầu của người tìm kiếm lúc đó và cũng có thể đó là từ khóa ngách đem lại hiệu quả tức thì mà không cần chạy quảng cáo.
Chính vì vậy, chúng ta vẫn sẽ dựa vào kinh nghiệm của bản thân nhưng sẽ dùng những từ khóa chúng ta nghĩ ra để tìm kiếm thêm các từ khóa liên quan khác bằng các công cụ nghiên cứu từ khóa có trên internet.
III. Bản chất của việc nghiên cứu và phân tích từ khóa
Nghiên cứu và phân tích từ khóa là bước khởi đầu cần triển khai trong chiến dịch SEO hoặc quảng cáo Google Ads. Tại giai đoạn này chỉ cần chúng ta làm thiếu hoặc chưa đúng thì bao nhiêu thời gian bỏ ra tiếp theo đó xem như công cốc.
Từ khóa target sai đối tượng sẽ dẫn đến website kém hiệu quả và không có nhiều khách hàng mặc dù đã đầu tư rất nhiều công sức và ngân sách vào nó. Ngoài ra, việc target sai đối tượng sẽ làm cho chúng ta ngày càng cảm thấy chán nản khi website hoạt động mãi mà không có khách hàng.
IV. Cách phân tích từ khóa và phân loại triển khai
Có rất nhiều cách phân tích từ khóa hiện nay, mỗi người sẽ có một cách phân tích từ khóa khác nhau mà đem lại hiệu quả cũng khác nhau, trong bài này SiteMeta team sẽ hướng dẫn bạn cách phân tích từ khóa phổ biến và hiện đang được nhiều người sử dụng nhất, cũng như đem lại hiệu quả tốt nhất khi áp dùng vào chạy quảng cáo Google hoặc làm SEO cho website.
Nói đến phân tích từ khóa thì không thể thiếu các công cụ phân tích từ khóa chuyên dụng phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm các từ khóa tiềm năng của sản phẩm / dịch vụ của bạn được nhiều người tìm kiếm trên Google.
Các công cụ này cho bạn thấy được trong một năm qua hay 3 tháng vừa qua đâu là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Qua đó bạn sẽ nắm được xu hướng từ khóa hiện tại, dựa vào đấy chúng ta có thể sử dụng cho các chiến dịch quảng cáo nếu muốn nhanh chóng có khách hàng, hoặc sử dụng cho các bài viết chuẩn SEO.
Được rồi, không dài dòng nữa. Chúng ta tiến hành đi tìm hiểu về các công cụ phân tích từ khóa ngay thôi nào!
V. Các công cụ phân tích từ khóa Google
Chúng ta có 3 công cụ phân tích từ khóa được sử dụng rộng rãi hiện nay bao gồm Google Keyword Planner, Keyword tool và Ahref. SiteMeta team sẽ không nói đến các công cụ khác nhé, bởi vì SiteMeta team khuyến khích các bạn nên dùng 3 công cụ này để có tính chính xác cao cũng như biết được các từ khóa tương tự nhanh và dễ dàng nhất.
Ngoài ra có thể bổ sung thêm công cụ Semrush. Tuy Semrush mạnh về phân tích site và xem vị trí từ khóa, nhưng chúng ta vẫn có thể xem những từ khóa gợi ý thường được tìm kiếm trong từ khóa chính mà chúng ta đang SEO.
1. Tìm hiểu về Keywordtool.io
Phải nói đây là công cụ tốt nhất từ trước đến nay về vấn đề tìm kiếm các từ khóa tiềm năng trên Google, Youtube, Bing,… Keywordtool hiển thị cho bạn một cái nhìn chi tiết về các từ khóa tiềm năng trong thời gian qua và đưa ra các gợi ý về từ khóa dạng câu hỏi mà người dùng tìm kiếm. Bên cạnh đó, Keywordtool giúp đưa ra những từ khóa ngách mà đa số các công cụ khác không thể làm việc này.
Từ khóa ngách là dạng từ khóa mới được người dùng tìm kiếm trên Google. Từ khóa ngách thường rất ít người viết bài về nó cũng như SEO từ khóa ngách. Đây là cơ hội để chúng ta nhanh chóng lọt vào top 10 trên Google cho các bài viết có chứa từ khóa ngách này. Ngoài ra, các từ khóa ngách thường dễ dàng đem lại khách hàng trên website.
2. Tìm hiểu về Ahref
Nếu nói về công cụ để chuyên phân tích từ khóa thì có lẽ Ahref xếp thứ 2 sau Keywordtool nhưng Ahref giúp bạn tìm kiếm nhanh chóng các từ khóa liên quan tiềm năng theo từng bài viết trên website. Ngoài ra, Ahref cho phép bạn xem các thông tin về backlink, thứ hạng từ khóa của website trên Google, kiểm tra chi tiết website của đối thủ, xem các backlink hỏng,…
Gần như không có công cụ nào có thể thay thế Ahref trong việc kiểm tra thông tin chi tiết của một website bất kỳ cũng như xem các từ khóa liên quan tiềm năng của website hoặc một bài viết / landing page nào đó.
3. Tìm hiểu về Google Keyword Planner
Tại sao phải giới thiệu đến công cụ Google Keyword Planner trong khi đã biết đến 2 công cụ tuyệt vời bên trên? – Đối với 2 công cụ Keywordtool.io và Ahref, để có thể sử dụng tốt thì chúng ta cần phải trả phí. Là một người mới làm Marketing mà phải trả phí để sử dụng 2 công cụ trên thì thật là khó khăn. Chính vì vậy, Google Keyword Planner là một sự thay thế tốt.
Google Keyword Planner là công cụ phân tích từ khóa được tích hợp sẵn trong Google Ads. Bạn có thể tự do kiểm tra các từ khóa tiềm năng mà không cần trả bất cứ khoản phí nào. Và trong bài viết này, SiteMeta Team cũng sẽ sử dụng Keyword Planner để hướng dẫn các bạn cách phân tích từ khóa tiềm năng cho sản phẩm / dịch vụ chúng ta đang kinh doanh.
VI. Phân tích từ khóa với Google Keyword Planner
Tuy không mạnh mẻ bằng Keywordtool nhưng Google Keyword Planner vẫn cho phép chúng ta tìm các từ khóa tiềm năng trong thời gian 3 tháng hoặc 1 năm qua, cũng như xem được từ khóa nào được tìm kiếm nhiều gần đây nhất.
Để sử dụng Google Keyword Planner, bần cần có tài khoản Google Ads. Nếu bạn chưa có tài khoản thì bạn có thể xem lại bài hướng dẫn tạo tài khoản Google Ads
1. Truy cập tài khoản Google Ads
Bạn truy cập liên kết ads.google.com, sau đó vào phần tổng quan của tài khoản có dạng như sau:
2. Truy cập Google Keyword Planner
Tiếp theo, truy cập vào công cụ Keyword Planner bằng cách click vào Công cụ và cài đặt chọn Công cụ lập kế hoạch từ khóa.
Tại đây, bạn sẽ thấy có 2 phần là khám phá các từ khóa mới và nhận thông tin dự đoán và lượng tìm kiếm.
Nếu bạn cần phân tích từ khóa mới thì click vào ô thứ nhất, nhưng nếu bạn đã có sẵn danh sách các từ khóa rồi và muốn xem cập nhật lại lượt tìm kiếm, xu hướng thì chọn ô thứ 2 là nhận thông tin dự đoán và lượng tìm kiếm.
Chúng ta đang cần phân tích từ khóa nên sẽ chọn Khám phá các từ khóa mới.
3. Nhập từ khóa chính và từ khóa liên quan
Ví dụ SiteMeta team quảng cáo hoặc làm SEO về dịch vụ thiết kế website, thì nhập từ khóa chính vào ô tìm kiếm từ khóa, sau đó thiết lập ngôn ngữ và quốc gia mà khách hàng chúng ta đang sống. Cuối cùng click vào Nhận kết quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhập một trang web có chứa các từ khóa không liên quan để Google Keyword Planner loại bỏ các từ khóa có trong trang web đó.
Sau khi click nhận kết quả, Google Keyword Planner sẽ cho ra toàn bộ từ khóa liên quan đến từ khóa chính chúng ta nhập vào “thiết kế web” như ảnh bên dưới. Lúc này bạn có thể tải bộ từ khóa này về bằng cách click vào Tải ý tưởng từ khóa xuống ở góc trên bên phải. Và chọn kiểu định dạng mong muốn, trong bài này mình sẽ chọn Google trang tính.
Khi chọn tải xuống ý tưởng từ khóa theo định dạng Google trang tính thì các file này sẽ được lưu trong drive.google.com thuộc tài khoản email bạn dùng làm tài khoản Google Ads
4. Khắc phục hiển thị lượt tìm kiếm trong phạm vi
Trường hợp, nếu Google Ads của bạn đang hiển thị lượt tìm kiếm dạng phạm vi như ảnh dưới đây thì tại vì tài khoản của bạn là mới và chưa chạy chiến dịch nào nên Google chưa hiển thị chi tiết lượt tìm kiếm. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể chạy một chiến dịch khoảng 20.000 – 50.000đ để Google Ads kích hoạt lượt tìm kiếm chính xác cho tài khoản của bạn khi sử dụng Google Keyword Planner.
VII. Gợi ý tìm kiếm từ khóa hiệu quả
Những gì mình sắp chia sẻ ở hạng mục này sẽ là bí kíp thành công khi nghiên cứu từ khóa mà bạn có thể áp dụng ngay cho dự án SEO của mình.
1. Liệt kê cách gọi khác nhau trong dịch vụ / sản phẩm của bạn
Một ví dụ rằng mình đang kinh doanh dịch vụ thiết kế website thì các cách gọi khác nhau như: làm website, xây dựng website, thuê thiết kế website, thiết kế trang web, thậm chí là từ thiết kế trang wep – wed. Từ ngữ Việt Nam rất rộng với nhiều tên gọi khác nhau.
Một ví dụ khác về nước hoa nhé! Ngoài tên gọi nước hoa ra thì còn có tên là: dầu thơm, tinh dầu hoa hồng, hồng quân, bù quân, mùng quân,…
Hay ví dụ về công ty bất động sản với tên gọi khác là: thổ địa nhà đất, nhà đất.
2. Lắng nghe và thấu hiểu khách hàng của bạn
Chính vì mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ đều có các tên gọi khác nhau nên chúng ta cần tham khảo thêm ý kiến của bạn bè, người thân để hiểu thêm nhiều cách gọi khác nhau.
Bạn nghĩ | Khách hàng nghĩ |
---|---|
Dây niêm phong | Dây rút Dây rút nhựa Dây lạt nhựa Dây buộc nhựa Seal niêm phong Dây thít |
Máy đóng gói | Máy làm chai Máy dán nhãn Máy đóng hộp |
3. Tìm kiếm từ khóa bằng cách xem gợi ý của công cụ tìm kiếm Google
Khi bạn tìm kiếm từ khóa bất kỳ trên công cụ tìm kiếm Google thì bạn có thể kéo xuống dưới cùng của trang 1 bạn sẽ thấy các từ khóa có liên quan mà khách hàng đã tìm kiếm.
4. Tìm kiếm từ khóa gợi ý được nhiều người tìm kiếm bằng Wikipedia.org
Hoặc bạn cũng có tìm kiếm các gợi ý khác bằng cách sử dụng trang bách khoa Wikipedia.org
VIII. Cách phân tích từ khóa trong SEO & Quảng cáo Google Ads
Chúng ta đã tải về các ý tưởng từ khóa và bây giờ SiteMeta team sẽ hướng dẫn bạn bước quan trọng nhất chính là lọc và phân loại từ khóa theo các nhóm có thể áp dụng cho SEO & quảng cáo Google Ads.
Trước tiên chúng ta cần gộp các từ khóa ở các file khác về cùng một file.
1. Gộp các danh sách từ khóa về một file duy nhất
Vì không chỉ tìm từ khóa chính, mà chúng ta có thể tìm thêm các từ khóa liên quan khác và tải về nhiều file danh sách từ khóa khác nhau. Vì vậy, sau khi lưu về máy tính, chúng ta cần sao chép tất cả các từ khóa về duy nhất 1 file và tạm đặt tên là Final-keyword.
Đây là danh sách từ khóa sau khi tải về . Ở sheet đầu tiên chúng ta có thể đặt tên là Chung cho dễ hiểu nhé.
2. Xóa từ khóa trùng lặp
Tiếp theo, chúng ta sẽ tiến hành lọc các từ khóa trùng lặp để mỗi từ khóa chỉ xuất hiện một lần ở sheet Chung trong file Final-keyword bằng cách click chọn tất cả các cột.
Chọn tiếp Dữ liệu > Dọn sạch dữ liệu > Xóa bản trùng lặp.
Chúng ta chỉ so cách cột A (cột keyword), vì vậy tắt tất cả cột còn lại. Sau đó click Xóa hàng trùng lặp
Như vậy là xong bước xóa từ khóa trùng lặp.
3. Xóa từ khóa không phù hợp
Như bạn đã thấy lúc tìm kiếm từ khóa trên Google Keyword Planner có rất nhiều từ khóa chứa tên thương hiệu của các đơn vị công ty khác và các từ khóa chẳng liên quan gì đến mục đích của chúng ta cả. Vì vậy ở bước này, chúng ta cần xóa các từ khóa đó đi.
Tạo một Sheet mới và đặt tên là Lọc từ khóa. Sau đó chúng ta sẽ sao chép từ cột A đến cột I vào sheet mới tạo.
Sao cho giống như bên dưới.
Mục đích làm như vậy là để loại bỏ các cột sau đó đi, vì lúc này chúng ta không cần quan tâm đến các cột sau đó mà chỉ quan tâm đến những con số thống kê về tổng lượt tìm kiếm trung bình mỗi tháng, xu hướng thay đổi so với 3 tháng / 1 năm gần đây, mức độ cạnh tranh, giá thầu thấp nhất và giá thầu cao nhất thôi.
Bạn có thể bỏ luôn cột Currency.
Tiếp theo, chúng ta cần đọc từng từ khóa một nếu từ nào không phù hợp với chiến dịch quảng cáo hoặc SEO của website mình thì click phải chuột vào hàng đó và Xóa hàng đi.
Cứ như vậy cho đến hết tất cả các từ khóa trong file Final-keyword.
Chắc hẳn khi làm đến bước này, ai cũng sẽ thốt lên một câu quen thuộc tương tự “U là trời, làm thế này biết khi nào cho xong?”. Nhưng các bạn cứ nghĩ thế này, đây là file phân tích từ khóa làm một lần duy nhất, có thể 1-2 năm sau mới làm lại và thời gian, tiền của mình đằng nào cũng phải bỏ ra nên để không phí thì chúng ta cần lọc thật kỹ trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
4. Phân loại từ khóa trong quảng cáo Google Ads
Bước cuối cùng, chúng ta sẽ tạo thêm một sheet mới mang tên là phân loại, sau đó sao chép các từ khóa trong danh sách của sheet Lọc từ khóa qua sheet Phân loại theo nhóm lần lượt là tìm hiểu, so sánh, hành động, hậu mãi. Ví dụ dưới đây:
Tìm hiểu | So sánh | Hành động | Hậu mãi |
---|---|---|---|
thiết kế web | công ty thiết kế web tốt nhất | thuê thiết kế web tại HCM | cách bảo mật website |
thiết kế web giá rẻ | chi phí thiết kế website | thuê thiết kế web tại Đà Nẵng | cách viết bài chuẩn seo |
thiết kế website bán hàng | báo giá thiết kế website | thuê thiết kế web tại Hà Nội | cách tìm kiếm khách hàng trên website |
thiết kế website chuyên nghiệp | |||
thiết kế web chuẩn seo |
SiteMeta team sẽ giải thích một chút về các nhóm trên để bạn dễ hiểu hơn nhé!
4.1 Nhóm tìm hiểu
Các từ khóa thường được người dùng tìm kiếm khi họ chưa biết gì về website hoặc đang có một chút nhu cầu về làm website nhưng chưa biết nên làm website mã nguồn gì hay làm ở đơn vị nào,… họ cần tìm hiểu nhiều thứ trong nhóm từ khóa này. Vì vậy chúng ta cần phân loại chính xác từng từ khóa một để tránh gây nhầm lẫn cũng như kém hiệu quả về sau.
4.2 Nhóm so sánh
Ở nhóm này, khách hàng thường đã có kiến thức cơ bản về website là gì, tại sao cần website, cũng như đã có ý định làm website nhưng chưa biết chi phí làm một web chuyên nghiệp chuẩn SEO bao nhiêu tiền và làm với đơn vị công ty nào uy tín nhất. Chắc chắn khách hàng sẽ tìm rất nhiều công ty và bắt đầu so sánh về chi phí, chất lượng dịch vụ trước khi quyết định chi tiền ra để sử dụng.
Khi khách hàng tìm các từ khóa ở nhóm này mà website của bạn đã được hiển thị trên trang nhất Google tìm kiếm rồi thì tỷ lệ có khách hàng liên hệ là khá cao. Chỉ cần làm tốt bước tiếp theo nữa sẽ nâng thêm tỉ lệ chốt khách hàng hơn.
4.3 Nhóm hành động
Khi khách hàng đã tìm kiếm các từ khóa ở nhóm so sánh và xem lại nhu cầu của mình rồi thì đa số khách hàng sẽ tiếp tục tìm trên Google để mua hàng mà không phải vào trực tiếp một website nào đó để mua hàng. Vì vậy sau khi khách đã trải qua 2 giai đoạn trên rồi thì ở giai đoạn này chắc chắn 99% khách sẽ thực hiện hành động gọi điện trên website bằng các nút chuyển đổi hoặc để lại thông tin trên website của chúng ta.
Nếu bạn chưa biết cách thiết lập đo lường ở các nút chuyển đổi thì bạn có thể xem ngay bài hướng dẫn cài đặt chuyển đổi bằng Google Tag Manager.
4.4 Nhóm hậu mãi
Các khách hàng tìm kiếm những từ khóa tại nhóm này thuộc đối tượng đã sỡ hữu một hoặc nhiều webiste. Những bài viết thuộc nhóm hậu mãi sẽ giúp website chúng ta có thêm nhiều traffic, cũng như dễ dàng SEO các từ khóa khác thông qua các bài viết ở nhóm hậu mãi này. Ngoài ra, những bài viết ở nhóm hậu mãi giúp website của chúng ta có ấn tượng tốt trong mắt khách hàng.
Một ngày nào đó các khách hàng mặc dù đã có website rồi nhưng có thể ở đơn vị cũ không còn hoạt động nữa hoặc không nhiệt tình với họ nữa thì họ cũng sẽ liên hệ chúng ta để làm một website mới. Tương tự với các sản phẩm / dịch vụ khác
Theo thống kê của Google năm 2022 về xu hướng tìm kiếm của khách hàng thì các bài viết hậu mãi có giá trị đứng đầu trong marketing sản phẩm / dịch vụ bất kỳ. Nó giúp ích cho nhiều khách hàng thiếu kiến thức trong sản phẩm / dịch vụ của họ. Cũng như Google đánh giá cao các website cung cấp nhiều bài viết chia sẻ và website đó cũng được Google ưu ái hơn trong xếp hạng trên công cụ tìm kiếm của Google.
5. Phân loại từ khóa đầy đủ hơn
Ngoài bảng phân loại từ khóa ở mục 4 trên thì chúng ta có thể phân loại thêm 1 nhóm nữa đó là nhận thức vấn đề.
5.1. Tại sao nên có nhóm Nhận thức vấn đề?
Ngoài các nhóm liên quan đến sản phẩm / dịch vụ như nhóm tìm hiểu, so sánh, hành động, hậu mãi thì đối với những khách hàng chưa biết gì về sản phẩm, dịch vụ hoặc chưa biết đến công ty, cửa hàng của mình thì chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ nhóm khách hàng này. Vì vậy, nhóm nhận thức vấn đề giúp ta nhắm vào nhóm khách hàng này.
5.2. Nhóm Nhận thức vấn đề được phân loại từ khóa như thế nào?
Bạn có thể nhìn vào bảng dưới đây về ví dụ kinh doanh kim từ điển tiếng Anh ED6 để hiểu hơn về nhóm nhận thức vấn đề.
Nhận thức vấn đề | Tìm hiểu SP/DV | Xem xét & đánh giá | Quyết định mua | Nhu cầu sau mua |
---|---|---|---|---|
cách nhớ tiếng Anh lâu | kim từ điển | kim từ điển ed6 có tốt không | mua kim từ điển ở đâu | sửa chữa từ điển ed6 |
bí quyết hỗ trợ nhớ tiếng Anh | kim từ điển mới nhất | cách chọn mua kim từ điển | mua kim từ điển ED6 ở đâu | sửa chữa từ điển |
cách nhớ ngoại ngữ | kim từ điển tiếng anh | so sánh kim từ điển ED6 và XYZ | giá bán kim từ điển | dịch vụ sửa kim từ điển |
giải pháp cho người nhanh quên khi học tiếng Anh | kim từ điển anh việt | kim từ điển ED6 | kim từ điển ed6 giá rẻ | kim từ điển lỗi không lên hình |
Như vậy, nhóm Nhận thức vấn đề giúp tìm kiếm những khách hàng đang chập chững học tiếng Anh mà chưa có bất kỳ cách học rõ ràng nào. Từ nhóm này chúng ta có thể chuyển đổi họ sang các nhóm sau và bán sản phẩm / dịch vụ cho họ dễ dàng.
IX. Kết luận
Phân tích từ khóa là giai đoạn quan trọng nhất trong chiến dịch quảng cáo tìm kiếm khách hàng trên Google hoặc kế hoạch SEO. Chiến dịch có hiệu quả hay không thì giai đoạn này chiếm 50%, vì nếu từ khóa bị sai lệch thì sẽ không có khách hàng truy cập website hoặc có khách truy cập nhưng không đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện thật kỹ lưỡng và kiểm tra lại nhiều lần trước khi dùng bộ từ khóa đã phân tích cho các chiến dịch quảng cáo Google hoặc chiến dịch phân tích từ khóa SEO.
X. Trợ giúp
Sử dụng đặc quyền Premium hoặc Agency tại SiteMeta để nhận được trợ giúp kiến thức trong bài hướng dẫn này! Bạn cũng có thể trở thành thành viên Premium / Agency bằng cách đăng ký thành viên Premium SiteMeta.